Tình trạng giảm cân xuất hiện chủ yếu do các yếu tố tâm lý, chuyển hóa, di truyền và lối sống. Để khắc phục tình trạng này cần tìm ra đúng nguyên nhân thì mới có cách khắc phục hợp lý. Để tăng cân có hiệu quả, phải thực hiện một cách khoa học, kiên trì và có hệ thống. Sau đây là những lời khuyên của bác sĩ dành cho những người đang muốn tăng cân.
Khi nhận thấy mình bị thiếu cân, mệt mỏi, bạn nên xem lại thói quen sinh hoạt của mình bằng cách trả lời các câu hỏi sau:
1. Bạn ngủ có đủ không? Bởi ngủ ít hoặc mất ngủ thì nguồn năng lượng trong cơ thể bạn sẽ bị tiêu hao nhiều hơn.
2. Bạn có uống nhiều cà phê không? Cà phê có thể ảnh hưởng đến cân nặng cơ thể vì cảm giác ngon miệng của bạn sẽ giảm đi. Không muốn ăn, lượng calo cần thiết cho cơ thể cũng bị thiếu hụt.
3. Bạn có hút thuốc không? Chất nicotin trong thuốc lá ức chế sự co bóp của dạ dày, đồng thời kích thích sự giải phóng glucoza từ gan vào máu, làm tăng đường huyết và giảm cảm giác đói.
4. Bạn có ăn điều độ 3 bữa/ngày và ăn đúng giờ không? Thói quen bỏ bữa sẽ dẫn đến tình trạng không đủ lượng calo cần thiết để cung cấp cho hoạt động của cơ thể trong ngày.
Nếu lối sống của bạn không có vấn đề gì đặc biệt, hãy đến gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân. Có lẽ cơ thể bạn đang bị rối loạn tiêu hóa, rối loạn cân bằng hooc môn. Cần thực hiện những chỉ dẫn sau:
- Tăng cân và duy trì mức tăng cân cũng đòi hỏi các phương pháp nghiêm túc và lâu dài như việc giảm cân và giữ được mức giảm. Không nên dùng cách ăn thật nhiều, đặc biệt là sôcôla và thực phẩm chiên rán. Việc kết hợp một chế độ ăn uống hợp lý và tập thể dục nâng cao sức khỏe sẽ là yếu tố quyết định, giúp bạn có thể tăng cân.
- Không nên dùng thuốc kích thích sự thèm ăn, vì khi ngưng thuốc thì cảm giác chán ăn lại như cũ và có thể bị những biến chứng nặng hơn. Cách tốt nhất là tìm nguyên nhân gây chán ăn, sụt cân và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
- Nếu bạn có thói quen ăn uống thất thường thì hãy cố gắng thay đổi bằng cách: giữ thực đơn khẩu phần ăn của bạn trong 2 tuần giống nhau để có thể hiểu nhiều hơn về thói quen ăn uống của cơ thể mình.
- Bạn nên ăn thành 3 bữa chính cố định cộng thêm 2 đến 3 bữa ăn phụ mỗi ngày để không bao giờ có cảm giác bị đói, tốt nhất cho các bữa phụ là khoảng 9 giờ sáng và 3 giờ chiều. Chè, bánh trứng sữa, ngũ cốc, pho mát, trái cây là những thực phẩm hợp lý nhất cho bữa phụ.
- Có thể tăng dần thêm số lượng thức ăn hoặc tăng thêm các thực phẩm chứa nhiều calo vào mỗi bữa ăn hàng ngày bằng cách: ăn thêm một lát bánh mỳ vào buổi sáng, uống nước nho, nước cam, cho thêm sữa vào cà phê, ăn thêm chút cơm hoặc mỳ, salad trộn, bơ mứt và luôn nhớ không được bỏ món tráng miệng.
- Cần tránh việc tăng năng lượng rỗng, tức là chỉ dùng các món đường, bột, béo mà thiếu sinh tố, chất khoáng. Ăn đêm sẽ khiến năng lượng không tiêu hao qua vận động và chuyển thành mỡ tích lũy ở nội tạng. Sự tích lũy này về lâu dài sẽ là tiền đề của các bệnh mãn tính, ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Cuối cùng, bạn nhớ đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, để phát hiện một số bệnh có thể làm giảm cân (lao, viêm loét dạ dày...). Theo nghiên cứu khoa học, sự căng thẳng cũng làm cơ thể ốm yếu (khi vui vẻ, thức ăn hấp thu 80% - 90%, nhưng khi giận dữ, buồn phiền, lo lắng, thì tỷ lệ hấp thu chỉ còn khoảng 20% - 30%).
Khi bạn đã đạt được trọng lượng lý tưởng, hãy cố gắng duy trì điều này bằng cách tuân thủ theo chu kỳ sinh hoạt ăn uống hàng ngày mà mình đã thiết lập. Kiên nhẫn thực hiện một cách khoa học chế độ ăn uống và tập luyện thể dục, chắc chắn sẽ mang lại cho bạn một thân hình đầy đặn và sức khỏe như mong muốn.
Theo tapchimonngon
0 nhận xét:
Đăng nhận xét