Nồi áp suất giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều thời gian trong việc nấu nướng.
Nồi áp suất còn giúp bảo quản chất dinh dưỡng có trong thức ăn mà những phương pháp nấu bình thường không thể thực hiện được.
1. Kích cỡ
Khi lựa chọn kích cỡ của nồi, cần quan tâm đến số lượng khẩu phần mà bạn sẽ nấu. Những món ăn phù hợp với nồi áp suất như súp, gạo hay đậu có thể làm cho nhiều người ăn hoặc làm với số lượng nhiều để đông lạnh và dùng dần.
Một đặc điểm nữa cần phải lưu ý là chỉ được phép nấu thức ăn với dung lượng không quá 2/3 nồi. Đối với những thực phẩm nổi nhiều bọt trong khi nấu như đậu… thì dung lượng được phép chỉ ½ nồi.
2. Kết cấu và chất liệu
Chất liệu của nồi áp suất cũng là một vấn đề quan trọng. Nhôm có trọng lượng nhẹ nhưng thép không gỉ lại có độ bền cao hơn. Nồi làm bằng thép không gỉ có phần đáy dày nên được ưa thích hơn so với những vỏ nồi làm bằng nhôm hay đồng - những chất liệu có khả năng dẫn và giữ nhiệt tốt.
Bạn phải chú ý đến tay cầm, nắp và khóa nắp nồi. Tay cầm và nắp nồi phải được gắn chắc chắn vào thân nồi. Với những loại nồi có kích cỡ từ 6 lít trở lên, cần chọn loại có hai tay cầm để nhấc nồi dễ dàng và an toàn hơn khi nồi đang nóng và đầy thức ăn.
Nên chọn loại nồi có thiết kế khóa nắp nhằm tránh việc nắp nồi bị bật mở khi bạn đang giảm áp suất của nồi. Đây là yêu cầu kỹ thuật khá phổ biến trong các loại nồi áp suất hiện đại.
3. Bộ phận điều chỉnh áp suất
Bộ phận điều chỉnh áp suất có công dụng hiển thị chính xác mức áp suất của nồi trong khi đang nấu. Thông thường, bộ phận này luôn hoạt động ổn định và được phân thành các loại van sau:
Van nhảy: Van này thường được dùng cho những chiếc nồi có chế độ áp suất trung bình và cao. Van sẽ dịch chuyển đến một mức nhất định khi nồi có mức áp suất thấp và tiếp tục nhảy lên một mức mới khi đạt mức áp suất cao. Để báo hiệu sự thay đổi giữa hai mức áp suất, người ta thường thiết kế một đường kẻ hoặc đánh dấu bằng những màu sắc khác nhau ở mặt đồng hồ hiển thị mức áp suất trên nồi.
Van quả tạ (hay còn gọi là van quả lắc): Bộ phận điều chỉnh áp suất này có hình dạng giống quả lắc nhỏ, được thiết kế nằm trên lỗ thoát hơi và sẽ bắt đầu đong đưa khi áp suất đạt đến mức được cài đặt sẵn trước đó. Ưu điểm của loại van này là có thể nhìn và nghe được tiếng van kêu khi áp suất đạt mức cần thiết, rất tiện lợi trong trường hợp bạn không thể liên tục trông chừng nồi đang nấu. Tuy nhiên, nhược điểm của chúng là dễ bị tắc nghẽn do thức ăn tràn vào qua lỗ thông hơi. Do đó, trước khi nấu, bạn cần kiểm tra và vệ sinh van thật kỹ.
Van quả tạ kiểu mới: Loại van này được gắn vào lỗ thông hơi nhưng thay vì đong đưa như bình thường, chúng sẽ phun ra hơi nước từng hồi để duy trì mức áp suất ổn định trong nồi. Lúc hơi nước bắt đầu đẩy ra ngoài là thời điểm mức áp suất đã đạt yêu cầu.
Theo Phụ Nữ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét